Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Việt Nam hướng tới danh hiệu “Bếp ăn Thế giới” ?

Khi nói tới Mỹ, chúng ta thường nhớ tới Hollywood - phim trường của thế giới, nơi những bộ phim bom tấn ra đời trong sự mong chờ, háo hức của người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy; Khi nói tới thời trang hay một thương hiệu nước hoa quyến rũ, chúng ta nghĩ ngay tới “De France”; Nói tới Hà Lan là hoa Tuylip; Thụy Sĩ là đồng hồ, nhà băng; rồi trang sức Ý, mĩ phẩm Hàn Quốc…

Còn Việt Nam? Philip Kohler, chuyên gia  marketing hàng đầu thế giới khi nói về chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia đã khuyên Việt Nam hướng tới danh hiệu “Bếp ăn thế giới”!

Lời khuyên này ngay sau đó trở thành đề tài tranh cãi trên rất nhiều đài báo, diễn đàn, liệu Việt Nam có thể làm được không và làm như thế nào?

Nói về nghệ thuật ẩm thực, thế giới được chia làm hai trường phái lớn. Pháp đại diện cho phương Tây với sự ngon miệng, chỉ riêng nước sốt đã có hàng ngàn loại,  chuẩn mực cho cả châu Âu với các quy tắc về phục vụ, dao, nĩa, rượu trên bàn ăn. Trung Quốc đại diện cho phương Đông với sự bổ dưỡng, với những món ăn đã đi vào truyền thuyết, những bữa tiệc lịch sử. Vậy có thực tế không khi chúng ta chọn cho mình hướng đi trở thành “bếp ăn của thế giới” ?

Nhìn ngay trong khu vực Đông Nam Á thôi, khi chúng ta đang loay hoay với khẩu hiệu “ Welcom to Việt Nam ”, “Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn”…thì Thái Lan từ lâu đã xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia bằng đầu tư cho ngành du lịch để được biết tới như là thiên đường nghỉ dưỡng. Ẩm thực Thái cũng được tiếp cận với du khách và được biết tới nhiều hơn. Ngay tại Việt Nam, nhiều nhà hàng khách sạn đã đưa món Thái vào thực đơn hoặc chuyên phục vụ món Thái. Thậm chí chỉ riêng cắt tỉa, đã hình thành hẳn một trường phái “ tỉa dưa hấu Thái”.

Trở lại với gợi ý của Philip Kohler, Việt Nam liệu có thể trở thành “bếp ăn thế giới” hay không?

Trước tiên phải nói đến quan niệm của phần lớn người dân Việt Nam vẫn coi ngành phục vụ nói chung và nghề nấu ăn nói riêng là một nghề thấp kém. Từ lâu đã có câu:

 “Xung quanh xoong chảo đen sì
Nước sôi ùng ục lấy gì vinh quang”
Ở Việt Nam đầu bếp không được coi là một nghề theo đúng nghĩa của nó. Những trường đào tạo chính quy, dài hạn ngành này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những nơi có đào tạo thì thiếu phương tiện giảng dạy, việc học nặng về tính lý thuyết, trong khi nấu ăn đòi hỏi tính thực hành cao. Vì vậy học viên sau khi ra trường không thể tìm cho mình một công việc theo đúng những gì đã học. Nhiều người thậm chí theo học chỉ vì thấy trên ti vi các đầu bếp đao pháp như thần, thân hình lẹ làng, uyển chuyển, khi xào thì ngọn lửa bốc cao hừng hừng khí thế. Biết đâu thực tế công việc là một áp lực vô cùng khủng khiếp về thời gian, tâm lý, thao tác, sự chuyên nghiệp, và cũng đòi hỏi không ít đam mê, lòng yêu nghề, óc thẩm mĩ. Ở Trung Quốc, chương trình đào tạo một đầu bếp chuyên nghiệp kéo dài tới sáu năm.

Vậy nên, chỉ khi nghề đầu bếp được coi trọng, người làm nghề phục vụ không cảm thấy e dè khi làm và nói về công việc của mình chúng ta mới có thể hy vọng về một thương hiệu quốc gia là một “bếp ăn thế giới”. Khi ấy, ẩm thực mới là mũi nhọn để giới thiệu văn hóa Việt Nam; để những nhà hàng của người Việt Nam ở nước ngoài được treo biển “món ăn Việt Nam” chứ không phải núp dưới bóng, “ China food”, hay “Japan food” để câu khách.

Với những ưu thế về thiên nhiên, con người, lịch sử ẩm thực, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để trở thành một ngôi sao sáng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Những món ăn Việt Nam vốn phong phú về nguyên liệu, đa dạng về phương pháp chế biến, phù hợp âm dương, hội đủ ngũ hành chính là “nguyên liệu” để xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt Nam. Bên cạnh đó cần tầm nhìn của những nhà hoạch định chính sách; cùng một chiến lược xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt Nam lâu dài, bài bản, ví dụ thông qua những Lễ hội ẩm thực, festival, giao lưu văn hóa…, phải giới thiệu được tinh hoa ẩm thực Việt Nam tới thế giới và đưa thế giới tới với ẩm thực Việt Nam. Việc xây dựng một chuẩn hệ thống các món ăn, cùng nguyên liệu, phương pháp chế biến làm tài liệu tham khảo cho những người làm nghề và cho tất cả thực khách, những ai quan tâm cũng là cần thiết.

Không chỉ giữ gìn và phát huy truyền thống ẩm thực của mình, chúng ta cần học hỏi cái hay trong cả cách quảng bá thương hiệu của những nước đã thành công trong lĩnh vực này. Ví dụ Nhật Bản vốn không có tài nguyên thiên nhiên gì, khẩu phần ăn thường là cá sống. Vậy mà bây giờ ở trên thế giới và cả ở Việt Nam, khi nhắc tới Sushi hay Shisami ai cũng biết, tất cả đều hiểu rằng đó là

Nhật Bản. Trường phái ẩm thực Nhật Bản ngày càng được biết đến nhiều hơn, đó là trường phái của mĩ thuật ẩm thực, của “ăn đẹp”, bên cạnh trường phái ăn ngon và ăn bổ dưỡng của Pháp, Trung Quốc.

Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và phong cách phục vụ chuyên nghiệp là yếu tố không thể không coi trọng; cùng với chiến lược phát triển thương hiệu nhà hàng, thương hiệu ẩm thực của địa phương cần đặt trong chiến lược phát triển thương hiệu ẩm thực quốc gia… Như vậy Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm ẩm thực của nhân loạị.

nguyenhoang
Bài trên Tạp chí Hàng Hóa & Thương hiệu
Số ra 2/9 năm 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét